Hotline: 0973.130.696

(HNMO) – Sáng 3-5, tại khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh), UBND thành phố Hà Nội tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019 với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”.

Dự lễ phát động có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cùng lãnh đạo các sở, ngành và hơn 900 người lao động đại diện cho hàng triệu công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn Hà Nội.
 
Thành phố Hà Nội hiện có hơn 200.000 doanh nghiệp, hơn 1.000 làng nghề truyền thống đang hoạt động, với gần 4 triệu lao động đang làm việc. Trước những nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động luôn tiềm ẩn tại nơi làm việc, các ngành chức năng thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền để người lao động cũng như người sử dụng hình thành ý thức chủ động phòng, tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Riêng năm 2018, toàn thành phố treo gần 6.000 banner, băng rôn, in hơn 140.000 tờ rơi, đăng tải hơn 100 tin, bài, phóng sự truyền hình có nội dung biểu dương những đơn vị làm tốt, phê phán những đơn vị chưa nghiêm túc chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động; đồng thời, tổ chức tập huấn, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho hàng triệu lượt người.

Phong trào thi đua “Xanh – sạch – đẹp, bảo đảm an toàn lao động, phòng chống cháy nổ” được các ngành, đơn vị, địa phương hưởng ứng. Nhờ đó, ý thức chủ động phòng, chống các nguy cơ mất an toàn tại nơi làm việc của người lao động ngày càng tăng lên. Số vụ việc và số người chết do tai nạn lao động nghiêm trọng có chiều hướng giảm.
 

Đông đảo người lao động tham gia Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động.
Thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho thấy, năm 2018, toàn thành phố xảy ra 369 vụ tai nạn lao động, làm 380 người chết và bị thương, giảm 16 vụ tai nạn nghiêm trọng, 13 người thương vong so với năm 2017. Các vụ tai nạn xảy ra nhiều nhất ở lĩnh vực xây dựng, vận hành, sản xuất điện…Làm việc trong môi trường thiếu an toàn, nhiều người bị mắc bệnh nghề nghiệp có nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp. Số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp trên thực tế có thể lớn hơn, vì trung bình mỗi năm, toàn thành phố chỉ có 5-7% số doanh nghiệp báo cáo về tình hình an toàn lao động.

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về an toàn, vệ sinh lao động, thành phố Hà Nội phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019 trên phạm vi toàn thành phố, diễn ra từ ngày 1-5 đến hết ngày 31-5. Sau lễ phát động, hai đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại hơn 60 doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ. 

Dịp này, 30/30 quận, huyện, thị xã đều ban hành kế hoạch hành động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và yêu cầu mọi người, mọi nhà, mọi ngành chung tay thực hiện. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động rà soát, bổ sung nội quy, quy trình vận hành máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; hướng dẫn, huấn luyện kỹ năng bảo đảm an toàn, vệ sinh cho người lao động; đưa người lao động đi khám sức khỏe định kỳ…

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031