Hotline: 0973.130.696

Báo động về mất an toàn lao động

(LĐTĐ) Năm 2018 trên toàn quốc đã xảy ra 7.997 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 8.229 người bị nạn. Xây dựng là lĩnh vực xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người và TP Hồ Chí Minh, Hà Nội là những địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất trong năm 2018. Đây là những số liệu được công bố tại cuộc họp báo “Thông tin Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019” do Ban chỉ đạo Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động Trung ương tổ chức tại Hà Nội ngày 11/4.

Thông tin về tình hình tai nạn lao động năm 2018 của Bộ Lao động- Thương binh và xã hội cho biết, năm 2018 trên toàn quốc đã xảy ra 7.997 vụ TNLĐ làm 8.229 người bị nạn. Trong đó số vụ TNLĐ chết người là 972 9 vụ, số vụ TNLĐ có hai người bị nạn trở lên là 112 vụ, số người chết vì TNLĐ là 1039 người, số người bị thương nặng là 1.939người, nạn nhân là lao động nữ là 2667 người.

bao dong ve mat an toan lao dong
Hiện trường một vụ tai nạn lao động xảy ra tại Long An năm 2018

Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong năm 2018 bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên, Yên Bái, Đồng Nai, Quảng Ninh, Cà Mau, Quảng Trị và Bình Dương.

Xét theo loại hình cơ sở sản xuất, công ty TNHH có tỷ lệ xảy ra tai nạn lao động cao nhất, chiếm 34,21% số vụ tai nạn chết người và 35,24% số người chết. Kế tiếp là loại hình công ty cổ phần, chiếm 28,7% số vụ tai nạn chết người và 27,87% số người chết.

Doanh nghiệp nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp chiếm 10,52% số vụ tai nạn chết người và 9,84% số người chết. Doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thế chiếm 6,14% số vụ tai nạn và 7,2% số người chết. Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người là xây dựng; sản xuất vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; khai thác mỏ, khai thác khoáng sản.

Theo phân tích của cơ quan chức năng, các yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất là tai nạn giao thông, ngã từ trên cao, vật rơi, đổ sập, điện giật, máy thiết bị cán, kẹp, vật văng, bắn… Các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chủ yếu do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động đồng thời cũng do người lao động vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động.

Căn cứ vào tình hình và nguyên nhân xảy ra TNLĐ trong năm 2018, để chủ động phòng ngừa và hạn chế TNLĐ trong thời gian tới, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức người sử dụng lao động, người lao động quan tâm triển khai thực hiện tốt các nội dung chủ yếu sau: Các Bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và xã hội thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng như: Xây dựng; sản xuất vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; khai thác mỏ, khai thác khoáng sản, đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại. Bộ Y tế tăng cường triển khai hướng dẫn và đôn đốc việc thông kê TNLĐ tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y Tế, Sở Y Tế theo Khoản 4 Điều 36 Luật an toàn vệ sinh lao động và Điều 25 Nghị định 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016.

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, chú ý đến hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp; khẩn trương triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động theo Luật an toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn; tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề, ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Tăng cường tổ chức điều tra tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Tổ chức hướng dẫn Ủy ban Nhân dân cấp xã, cấp huyện trong việc thống kê, báo cáo tai nạn lao động đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động; lập biên bản ghi nhận tai nạn lao động đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động.

Chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ quan Công an cấp tỉnh phối hợp với Viện kiểm sát Nhân dân cấp tỉnh triển khai xây dựng quy chế phối hợp điều tra tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động khác có dấu hiệu tội phạm.

Đối với các doanh nghiệp cần tăng cường triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa tai nạn lao động do ngã cao, điện giật, vật rơi, đổ sập; tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động.

Bộ đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tuyên truyền vận động người sử dụng lao động quan tâm, chú ý việc xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp làm việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật an toàn, vệ sinh lao động cho các hội viên.

Bộ cũng đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Hội nông dân Việt Nam và các hội nghề nghiệp tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động, hội viên chấp hành tốt các nội quy, quy trình làm việc an toàn; sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, bảo đảm an toàn, sức khoẻ và tính mạng cho người lao động .

Phạm Diệp – Laodongthudo

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031